2 ngày đầu tiên ở bệnh viện nên mọi sự chưa có gì phức tạp. Ngày thứ 3 trở đi mới là bắt đầu những thử thách. Mẹ chỉ chuẩn bị tâm lý sinh con mà chưa chuẩn bị tâm lý nuôi con. Mẹ bị stress nặng. Vì con hư quá!
Những trẻ khác lúc mới ra đời phần lớn là ngủ, giấc ngủ kéo dài chí ít cũng phải 2 tiếng đồng hồ. Nhưng con thì khác. Con ngủ giấc chỉ 30 phút, cả ngày chỉ 9 – 10 tiếng là cùng. Rồi con dậy, con khóc. Con lại ngủ ngày, chẳng thèm ngủ đêm. Mẹ phờ phạc vì vết thương còn đau, vì rối loạn nếp sống và vì chưa có tí kinh nghiệm nuôi con nào hết! Con khóc mẹ chỉ biết ôm con mà nựng nịu. Cho con ti thì chẳng có tí sữa nào. Đành phải cho con bú bình suốt tuần lễ đầu tiên.
Bú bình nên con ị táo. Ngày thứ 7 bú bình con không chịu ị. Mẹ và bà cứ chờ đợi. 10 tiếng, rồi 12 tiếng, rồi 1 ngày, đút đít mật ong mà vẫn chưa thấy con ị. Bình thường, lúc trong tháng thì con phải ị một ngày 5, 6 lần. Bà ngoại lo quá, chạy ra hiệu thuốc mua lọ thuốc xịt cho con, nhưng bác Hương lại bảo, mấy ngày chưa ị vẫn không có vấn đề gì hết, có đứa còn 7 ngày mới thèm ị nữa là! Thế là mẹ gắng chờ, chưa xịt thuốc cho con (vả lại, nhìn cái ống xịt, tưởng tượng phải đút cả cái đoạn ống dài ấy vào cái lỗ đít bé tí của con, mẹ không dám!). 2 ngày sau con mới ị. Buổi sáng một bãi đại tướng, buổi chiều một bãi đại tá! Nhìn con ị mà thấy sung sướng làm sao!
4 ngày sau đẻ, sữa của mẹ mới về. Nhưng ít quá! Nhưng mẹ vẫn cho con bú. Con lại chỉ chịu ngậm một bên, một bên con kiên quyết không thèm ngậm. Thế là mẹ đành cho con bú một bên, còn một bên mẹ phải dùng dụng cụ vắt sữa.
Ngày thứ 3, tự nhiên da mặt con chuyển màu vàng, nhất là phía bên phải vùng thái dương chạy xuống đến má. Hôm đấy bác Quý lên chơi với con, bác bảo, đấy là vàng da sinh lý, không có gì đáng lo. Quả thật, con chỉ bị vàng da một buổi sáng, buổi chiều đã thấy hết, da con dần dần trở nên trắng hồng rất dễ thương. Chỉ ghét mỗi điều là bình thường da con trắng hồng nhìn rất thích, nhưng khi con khóc hay vặn mình thì da đỏ lựng lên trông đến là ghét.
Con hư nên cả nhà vất vả theo con, nhất là bà ngoại. Ngày bà phục vụ cả nhà, đêm lại nằm cùng 2 mẹ con để thêm chút hơi ấm cho mẹ con đỡ phần rét buốt. Ông ngoại cũng thương 2 mẹ con lắm. Ông tranh thủ ngủ đêm để sáng dậy bế con cho mẹ ngủ. 2 bác Lâm – Châu tuy bận nhưng cũng tranh thủ lúc rỗi rãi bế con cho mẹ nghỉ. Chị Hoài An cứ đi học về là lại đòi lên gác “thăm em”. Cả nhà
Chăm con cũng lắm kỳ công. Ăn, ngủ, ỉa đái và cả tắm nữa. Ông bà ngoại suốt ngày đun nước rồi bê lên gác, đổ vào 1 cái xô đỏ để cho nguội mà tắm cho con. Bà ngoại còn chịu khó hôm thì đun nước chè xanh, hôm thì nước lá canh giới, hôm lại là nước cỏ đắng để tắm cho con khỏi bị lạnh và ngứa. Lúc con tắm thì phải có sẵn sàng 1 cái máy sưởi, 1 cái máy hơ quần áo để lúc nào con cũng được ấm. Con đẻ mùa đông nên vất vả thế đấy.
15 ngày đầu thì bác Hương (nhà bà Tròn ông Hạnh) tắm cho con. Phải nhờ bác vì lúc ấy con còn chưa rụng rốn. Cả bà ngoại và mẹ đều sợ không dám tắm cho con vì mẹ thì chưa có kinh nghiệm, bà thì lâu rồi không tắm cho trẻ con (chị Hoài An 2 tuổi rưỡi rồi mà lị). Sau đấy thì bà ngoại tắm. Được 15 ngày nữa, tức là con chẵn 1 tháng, mẹ mới bắt đầu tắm cho con. Lần đầu tiên mẹ lóng ngóng lắm, cứ cầm chặt tay con làm con đau khóc ré lên. Sau rồi mẹ cũng quen dần, không muốn ai khác tắm cho con nữa. Ban đầu con cũng không thích tắm lắm đâu, hay khóc nhè kinh khủng. Sau rồi con mới thích, cứ vớt lên khỏi nước là con khóc. Lúc tắm cho con là lúc thấy con lớn dần. Cái người lúc đầu thả trong chậu tắm còn thấy rộng rãi, được 3 tháng là hoặc phải ngóc đầu, hoặc phải thòi chân. Cái đùi, cái tay lúc đầu nắm thấy mềm nhão, được 1 tháng đã thấy chắc tay. Quần áo thay đổi từ số 1, bỏ qua số 2 mà lên hẳn số 3. Mấy cái mũ thì có cái chưa đội lần nào đã chật. Bỉm thì chắc phải dùng đến một núi! Mấy ngày đầu, một ngày thay những mười mấy lần! Về sau giảm dần nhưng cũng phải dùng 5 – 7 cái một ngày.
9 ngày rốn con mới rụng. Bà ngoại bảo đúng là con gái 9 vía! Cái cuống rốn rụng đi bà ngoại lấy sợi chỉ hồng buộc treo lên đèn cho con. Bà bảo như thế mới “sáng bụng sáng dạ”! Chẳng biết sau này con có được như thế không. Cái rốn còn lại thì bé tí tẹo, vệ sinh khó ơi là khó! Cả nhà mừng vì con gái có cái rốn xinh. Chẳng ngờ đến tháng thứ 2, con khóc nhiều quá, rốn lồi lên trông rõ là xấu, ấn vào lại còn kêu “phọp phọp” nữa chứ! Gọi điện về cho bà Tám ở Nghệ An thì bà bảo, đấy là sa ruột rốn, không cần chữa, đến 1 tuổi sẽ hết thôi. May làm sao đến hết tháng thứ 3 thì con ít khóc, rốn xẹp lại nhưng chẳng còn xinh như lúc đầu nữa. Con thấy tác hại của khóc chưa?
Nhưng không phải lúc nào con khóc cũng là xấu. Mấy ngày đầu con khóc suốt, chắc là vì khó chịu khi phải thay đổi môi trường từ trong bụng mẹ ấm áp ra ngoài không khí giá lạnh. Ăn con khóc, ngủ con khóc, ỉa đái con khóc, mà chẳng làm sao tự nhiên con cũng khóc! Những cái khóc ấy dần dần mẹ cũng quen và đoán biết được. Nhưng cái khóc gắt ngủ của con mới đáng ghét chứ! Nó cứ choe chóe inh cả tai. Lúc đấy phải gọi là gào chứ không phải khóc. Nó lại vào buổi đêm nữa nên hàng xóm cũng điếc tai, mất ngủ vì con. Những lúc như thế là phải cho con bú, nếu không thì phải kiểm tra bỉm xem có ỉa đái gì không mà thay (có khi chỉ đánh rắm ra tí cứt mà con đã gào tướng lên rồi – mà con thì rắm rít tít mù lắm cơ), con không chịu thì phải ôm con lên nựng, không được nữa thì phải ra khỏi giường đi dạo (có khi hàng tiếng đồng hồ), đến thế mà vẫn không được thì đành chịu để con khóc chán thì thôi vậy. Những lúc như thế mẹ nản lắm, cứ nghĩ sao mà khổ thế, có khi sợ không dám sinh thêm em cho con nữa. Lúc ấy mẹ cũng mong có bố ở nhà ghê! Bố mà ở nhà ít nhiều cũng đỡ đần được mẹ, chí ít cũng giải tỏa được về mặt tinh thần. Sau này con cứ bắt đền bố nhiều nhiều vào!
Những ngày đầu tiên của con là như thế. Những vui sướng ban đầu nhanh chóng nhường chỗ cho những lo lắng, vất vả, những đêm thức trắng và những ngày bận rộn. Con lớn dần theo từng tháng và tình cảm của bố, mẹ và con cũng ngày càng gắn bó.