Kỷ niệm 1 năm tuổi

1 năm tuổi, cái mốc thời gian quan trọng của bất cứ em bé nào. Và con cũng thế!

Tuổi của con giờ đây không còn tính bằng tuần, bằng tháng nữa mà bắt đầu được tính bằng tuổi, bằng năm.

Một tuổi, năm qua trôi qua biết bao nhiêu là sự kiện.

Với con là khoảnh khắc con chào đời, là những thay đổi trong cơ thể, là những tiến bộ từ lẫy, bò rồi đứng, là việc làm quen những đồ vật xung quanh, là lúc tìm hiểu thế giới trong đó có ông bà, bố mẹ và những người thân yêu.

Với bố mẹ, ấy là hạnh phúc lúc giờ phút được làm bố, làm mẹ, là lúc sung sướng khi con biết cười, biết nịnh, là lúc lo lắng khi con ốm, con đau và cũng là lúc tự hào khi con lớn, con khôn.

Với ông bà nội ngoại, được thấy con, được chăm bẵm, âu yếm con, được lo lắng, nuông chiều con, mọi vất vả, khó nhọc dường như tan biến.

Với những người thân bên con, con là thành viên mới, bé nhỏ nhất, yếu đuối nhất, cần được bao bọc, che chở nhất.

Hiện giờ, con là “trung tâm của gia đình”.

Nhưng con ạ, “chim mẹ mớm mồi cho chim con, nhưng chim con phải bay lấy một mình”. Con sẽ lớn, sẽ thay đổi, con sẽ phải tự chăm lo lấy bản thân mình.

Vài tuần nữa con sẽ biết đi, lúc ấy con sẽ phải tự đi. Vài tháng nữa con sẽ biết cầm thìa, con sẽ phải tự xúc ăn. Một thời gian nữa con sẽ biết cởi quần áo, con sẽ phải tự biết mặc quần áo. Và vài năm nữa, con lớn lên rồi, con sẽ phải học cách tự chủ, độc lập, tự con sẽ quyết định con cần phải làm gì.

Nhưng đừng lo con gái ạ, mọi người sẽ luôn bên cạnh con. Ông bà, bố mẹ, các bác, các cô chú, các anh chị luôn mong sao con ngoan ngoãn, xinh đẹp và sau này, sống thật là có ích.

Còn hôm nay, xin hát tặng con bài hát “Happy birthday to you”

“…

Mừng ngày sinh nhật của em.
Mừng ngày sinh nhật đáng yêu.
Mừng ngày đó em sinh ra đời.
Với biết bao nhiêu ước mơ

…”

Con 12 tháng tuổi

(cao ~ 73cm, nặng ~ 11kg)

Từ lúc 9 tháng tuổi đến giờ, con bắt đầu chững lại. Chưa kể vài trận ốm cũng làm con không lên cân được, thậm chí còn bị sụt cân nữa.

Chế độ ăn uống của con vẫn được duy trì như hồi 9 tháng. Ngày 2 bữa mặn, 1 bữa bột ngọt và 2 bữa sữa. Tuy nhiên, thay vì bột xay, bữa mặn của con đã được thay bằng cháo xay. Như vậy, mỗi ngày thay vì phải quấy bột 2 lần thì bây giờ, mỗi sáng chỉ việc nấu cháo 1 lần rồi xay ra cho con ăn 2 bữa. Ban đầu mọi người cũng muốn cho con ăn cháo trực tiếp luôn nhưng vì con chưa quen, hay bị nghẹn rồi trớ nên lại thôi, đành xay ra cho con dễ nuốt. Sau này thêm vài cái răng nữa rồi cho con tập nhai luôn cho tiện. Ăn như thế này thì kể cũng đỡ lích kích cho bà và mẹ nhưng thực ra, một ngày con chỉ được ăn 1 loại rau thịt, kể cũng tội cho con.

Lượng ăn uống của con so với hồi 9 tháng cũng không nhiều hơn là bao nhiêu. Tính ra 1 ngày con chỉ ăn hết 1 chén (uống trà) gạo, chưa đến 1 lạng rau, 2 – 3 thìa thịt/cá, cộng thêm 2-3 thìa canh bột ngọt Nestley, 160 – 200ml sữa, 1 hộp sữa chua hoặc nửa quả chuối. Vì thế, con bây giờ không mập mạp, tròn lẳn nữa mà người đã dài dài ra, chân tay khẳng khiu hơn. Cũng có thể do con bây giờ đã biết bò, đang tập đứng và sắp sửa tập đi nên cũng vận động nhiều hơn, người không to ra mà chỉ có dài thêm.

Chân tay con bây giờ cũng linh hoạt hơn trước. Hai cái chân bây giờ là trụ cột cho con lúc con đứng hay lần mép ghế mà đi. Cái bàn chân vì thế không dày dặn (như củ khoai tây cắm mấy cái que) mà đã bẹt ra cho con dễ trụ. Hai cái tay đã biết cầm thìa, cầm cốc (rồi lấy thìa cho vào cốc để đút vào miệng mẹ, miệng bà). Ngón tay trỏ đã biết hướng vào người, vào vật mà chỉ mặc dầu còn vụng về lóng ngóng. Bàn tay còn biết giơ lên vẫy vẫy khi “bye bye tạm biệt” hay giơ ra khi bắt tay “tốt tốt”. Có hôm đang tắm, con còn cho tay lên đầu gãi gãi để tự gội đầu cho mình nữa chứ.

Nhưng có lẽ, tiến bộ nhất phải là cái miệng của con. Ngoài những từ “láo toét” con gọi bà, gọi mẹ (bà chập, mẹ chập), con cũng đã biết “ạ” lúc được yêu cầu, biết “mẹ mẹ” lúc thèm ti, biết “nhênh nhênh” lúc tập đứng và nhất là biết “hát” lúc xem ca nhạc hay lúc bắt chước chị Hoài An biểu diễn.

Bên cạnh những tiến bộ ấy, con vẫn còn có những điều mà quả thật mẹ thấy rất ngại. Đó là chuyện con hay ốm vặt lúc trái gió trở trời. Chuyện con bị co giật lúc nhiệt độ trong người lên cao. Rồi chuyện con bị ị táo nếu bữa ăn ít rau một chút. Hay là việc con hay trằn trọc mãi đến 11, 12 giờ đêm mới thèm ngủ. Hoặc ngay cả cái tính cáu kỉnh, mè nheo lúc con ngủ chưa đẫy giấc.

Sắp 1 tuổi rồi, sắp đến mốc quan trọng thứ hai của con rồi. Sinh nhật 1 tuổi, mẹ sẽ mua một cái bánh ga tô thật là đẹp, trên đó thắp 1 ngọn nến thật là xinh. Mẹ sẽ cùng chị Hoài An mời anh Tuấn Mít, chị Vy Tít, chị Tuệ Minh, chị Hải Anh, 3 bạn Ngọc cùng sang mừng sinh nhật với con. Cả nhà Hà Nội, cả nhà Nam Định, cả bố con ở Hà Lan cũng sẽ chúc mừng sinh nhật con thật vui vẻ.

Hết một tuổi, con đã hết cái thời kỳ “vô tri”. Bước sang tuổi mới, chúc con sẽ hay ăn chóng nhớn, luôn ngoan ngoãn, đáng yêu và nhất là, luôn yêu thương ông bà, bố mẹ và mọi người, con nhé!

“Bà chập, mẹ chập…”

– Trà My ơi, ra đây bà ngoại bế đi phơi nắng nào!
– Bà chập, bà chập, bà chập,…
+ Mẹ tắm cho Nấm lùn nhé!
+ Mẹ chập, mẹ chập, mẹ chập,…
– Cái kiểu nhướn mày này là của bố đây!
– Mẹ nhầm, mẹ nhầm, mẹ nhầm,…
+ …

Bao nhiêu lần cả nhà cứ rũ ra cười vì cái kiểu tập nói thế này của con. Những từ đầu tiên con nói tất nhiên là rất ngô nghê, rất vô nghĩa nhưng quả thật lại là những từ rất đáng yêu mặc dù nếu mới nghe thì đúng là những từ “bố láo bố toét” thật!

Không chỉ nói, bây giờ con còn biết hét lên lúc tức giận, biết “hị hị” lúc đòi ti, biết “nhênh nhênh” lúc tập đứng và cả biết “ư ử” lúc hát theo nữa! Cái miệng của con sinh động lắm rồi!

Tênh tênh

Đã qua lâu rồi cái mốc “9 tháng lò dò biết đi” mà con vẫn chưa “lò dò” được tí nào. Sắp sinh nhật 1 tuổi rồi nhưng con mới chỉ “tênh tênh” được tí chút.

Thực ra, con biết tênh tênh cũng khá là lâu rồi, từ hồi 9 tháng lúc con biết tự đứng trong xe tập đi (xe này mẹ mua cùng với tháp đồ chơi chữ A hồi con 6 tháng tuổi). Nhưng trong xe con đứng tự nhiên, không thấy sợ, còn lúc ra ngoài xe, không có chỗ tựa, con sợ không dám đứng một mình. Cứ dựng con lên là con với tay bám hoặc khuỵu chân không chịu đứng.

Đến lúc 11 tháng tuổi, tự nhiên con chăm tập tênh tênh, nhất là lúc mẹ con lên giường chuẩn bị ngủ. Lúc ấy, mẹ nằm nghiêng, con bò ra, bám vào người mẹ, rồi con đạp chân, đứng dậy, từ từ thả tay ra và đứng thẳng người lên. Mới đầu chỉ đứng được một tí là con ngồi phịch xuống ngay. Chỉ vài ngày sau là con đã đứng được lâu lâu, đã đòi vung vẩy tay, quay ngang quay dọc. Tất nhiên, đứng im thì không sao, chứ kết hợp thêm vài động tác là con lại ngã ngồi xuống, không đứng lâu được.

Biết bò, biết tênh tênh rồi nên con ham trèo ghế kinh khủng. Cứ hơi một tí là con bò thoăn thoắt ra cái ghế dài, bám ghế đứng dậy, co chân lên làm điểm tựa rồi đu cả người lên mặt ghế. Mà trèo lên mặt ghế rồi con lại tiếp tục bám thành ghế đứng dậy, cái người cứ đong đong đưa đưa, còn cái tay thì thấy cái gì sẽ vơ cái đấy, vứt thẳng xuống nền nhà. Chính vì thế bây giờ bà ngoại trông con rất là vất vả, lúc nào cũng phải để ý chứ không con ngã thì gay, mà bế con khư khư thì con không chịu, cứ nhoài người ra đòi bò, đòi đứng.

Tênh tênh là giai đoạn chuẩn bị để con tập đi. Không biết, con sẽ giống mẹ nhanh biết đi (10 tháng) hay giống bố, không thèm đi sớm làm gì cho mỏi chân (17 tháng).

À mà có lẽ mẹ cũng phải giải thích thêm thế nào là “tênh tênh”. Sở dĩ như vậy là vì khi ông nội gọi điện lên hỏi thăm con, mẹ báo cáo với ông thành tích của con, ông không rõ tênh tênh là gì. Khi mẹ mô tả, ông mới à lên, hóa ra là đứng chựng. Mẹ và bà ngoại thì cứ quen gọi đấy là tênh tênh vì cứ khi nào con đứng chựng được, mọi người lại vỗ tay, rồi nói “tênh tênh, tênh tênh,…” để cổ vũ con. Con cũng theo đó mà nói “nhênh nhênh, nhênh nhênh,…” rất chi là đáng yêu!

Cuốn sách yêu thích của mẹ

Chính là cuốn sách mà mẹ đã trích một phần trong đó làm lời ngỏ cho cuốn nhật ký này. Cuốn “Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng” của bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc, Nhà xuất bản Thanh niên 1994.

Ngày từ hồi nhỏ, mẹ khá là thích đọc. Đọc đủ thứ. Báo có, tạp chí có, truyện tranh có, tiểu thuyết có, truyện dài kỳ có và cả truyện chưởng cũng có. Đến bây giờ mẹ cũng vẫn còn giữ vài bộ truyện tranh (Conan, Songoku), vài bộ truyện dài kỳ thiếu niên (TKKG, Kính vạn hoa, Harry Potter…), vài cuốn tiểu thuyết,… Chỉ có điều, mẹ đọc hay quên, đọc đi rồi đọc lại vẫn thấy như mới!

Vì thế, khi chuẩn bị sinh con, mẹ cũng vừa đi mượn, vừa đi lùng vài cuốn sách làm cẩm nang để chuẩn bị cho con chào đời. Và cuốn sách ấn tượng nhất với mẹ chính là cuốn của bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc.

Cuốn sách này mẹ vô tình tìm thấy được trong tủ sách của nhà mình ở Nam Định. Bìa sách đã cũ, hình ảnh không còn được tươi mới, giấy in đã sờn nhưng không hiểu sao mới đọc lướt vài trang mẹ đã thấy rất ấn tượng. Bác sỹ Ngọc không phải viết theo phong cách của một bác sỹ cho các đồng nghiệp, không phải cho thân nhân người bệnh, cũng không phải theo khuôn mẫu của một sách giáo khoa khô khan. Bác sỹ viết như người bạn viết cho người bạn, người anh, người chú lớn tuổi nhiều kinh nghiệm viết cho những người em bắt đầu làm bố, làm mẹ. Lời lẽ thân thiện, dễ gần, hình ảnh sống động, dễ hiểu, trình bày khoa học, dễ tra cứu. Quả thực, mẹ học được rất nhiều từ cuốn sách và cũng đã nhiều lần cuốn sách đã làm cứu cánh cho mẹ như chuyện “sa ruột rốn”, chuyện tiêm phòng, chuyện ăn uống,.. của con, rồi cả những hủ tục, những quan niệm sai lầm khi nuôi con của các bà mẹ ngày xưa.

Mẹ rất thích cuốn sách, đọc đi đọc lại nhiều lần, ngẫm nghĩ những điều nằm ngoài chuyên môn mà bác sỹ Ngọc đã gửi gắm. Mẹ cảm thấy việc sinh con, nuôi con ý nghĩa hơn. Mẹ cũng cảm thấy trách nhiệm của bố và mẹ lớn lao hơn khi giờ đây, bố mẹ là người cha, người mẹ và trước kia, bố mẹ cũng là những người con bé bỏng và ông bà nội ngoại đã phải vất vả ra sao mới có bố mẹ, có con như bây giờ.

Mẹ tìm hiểu nguồn gốc của cuốn sách thì hóa ra, đây là cuốn sách mà bố con ngày trước đã tặng cho bác Quý khi bác Quý chuẩn bị sinh anh Dũng (năm 1994). Có lẽ mẹ phải cảm ơn bác Quý rất nhiều vì đã giữ được cuốn sách đến bây giờ để mẹ được đọc, được học cái bản lĩnh khi nuôi con của bác.

Và hình như, đây cũng là cái duyên của bố và mẹ!