Lại chuyện của mẹ

Hồi sinh viên mẹ nặng 42kg. Còn bây giờ, mẹ 60kg!

Con thấy không, có con là mẹ thay đổi hết mọi thứ. Mà thứ “bắt mắt” nhất, dễ nhận nhất và cũng đáng lo nhất chính là trọng lượng của mẹ. Nhà mình cứ như là có “chú voi con ở Bản Đôn” xuống thăm vậy!

Suốt năm cấp II, lên cấp III rồi vào đại học, lúc nào mẹ cũng chỉ 42kg. Người gầy như cái mắc áo. Gầy đễn nỗi mà có lần mẹ đã phải tủi thân khi nghe một cậu sinh viên cùng khóa nói “trông chả khác gì con cá mắm” khi mẹ vô tình đi ngang cậu ấy. Con gái trông đã không được đẹp thì đã thấy tự ti lắm rồi, khi nghe người khác nói lên cái sự thật phũ phàng ấy thì còn thấy tủi thân biết nhường nào! Mẹ ăn uống cũng tốt mà chả biết nó cứ đi đằng nào, mong nặng thêm vài lạng thôi mà khó quá.

Thế rồi mẹ cũng lên cân. Ra trường mẹ 46kg, lúc cưới là 48kg, trước khi mang bầu con là 54kg, lúc bước lên bàn đẻ là 64,5kg, sinh con xong là 58kg. Bây giờ con 6 tháng, mẹ 60kg! Bạn bè không nhận ra mẹ, đồng nghiệp ngạc nhiên lúc nhìn mẹ, hàng xóm lắc đầu nói “béo quá, phải giảm cân đi thôi” lúc mẹ bế con, ông bà nội ngoại thì an ủi trông vẫn còn “eo ót” chán, bố thì động viên mẹ sau này phải đi tập aerobic cho thon gọn trở lại. Còn mẹ thì tự nhủ rằng, thôi đang cho con bú thì phải đẫy đà, phì nhiêu tí chút, sau này con cai sữa hẵng hay.

Ngón chân cái của mẹ

Hình như để được một cái gì đấy là người ta hoặc là phải tốn công tốn sức, hoặc phải tốn tiền tốn của, hoặc là mất mát thứ gì, nếu không cũng phải chịu đau đớn thế nào đấy. Có con rồi, tự nhiên cái ngón chân cái của mẹ bị đau. Nó bắt đầu đau từ khi con được 1 tuần tuổi. Đau cho đến bây giờ.

Ban đầu nó chỉ hơi ửng đỏ, đụng vào là thấy nhói. Sau dần dần nó sưng to rồi bị chảy máu. Lúc con 3 tháng tuổi, mẹ đi khám thì bác sỹ bảo là bệnh “móng chọc thịt” (nghe mà thấy kinh!). Bệnh này dễ chữa, chỉ cần cắt móng, đắp thuốc và uống kháng sinh là khỏi. Thế nhưng có một vấn đề là nếu mẹ uống kháng sinh, chắc chắn mẹ sẽ bị mất sữa và con gái sẽ không được bú mẹ khoảng 1 tuần lễ. Bác sỹ cho mẹ 2 lựa chọn: một là chữa luôn và kiêng bú cho con, hai là chung sống với nó cho đến khi con lớn hơn một chút, đến lúc mà việc không bú mẹ sẽ không ảnh hưởng nhiều đến con. Mẹ đành chọn cách thứ hai vì mẹ nghĩ, nếu con mà không bú mẹ thì chắc chắn sẽ nhiều chuyện xảy ra: con sẽ khóc vì thèm ti, con sẽ ghét sữa bột vì nhớ sữa mẹ, con sẽ đi ị táo vì con không hợp sữa bột lắm, và rất có thể mẹ sẽ bị mất sữa luôn nếu 1 tuần liền không cho con bú.

Thế nên mẹ chung sống với cái ngón chân cái lúc nào cũng sưng tướng lên cho đến tận bây giờ (con gần 6 tháng tuổi). Vì vậy cũng lắm chuyện phiền toái xung quanh cái chân đau của mẹ: mẹ phải đi dép lê hoặc dép quai hậu đến trường (trông không được lịch sự cho lắm); mỗi lần đi ra ngoài đều phải bôi thuốc, dịt bông và băng urgo lại; mỗi sáng và mỗi tối phải dùng thuốc sát trùng rửa sạch rồi lại bôi thuốc cho khỏi nhiễm trùng; mỗi lần chị Hoài An đứng gần đều phải cảnh giác và cảnh báo không thì chị dẫm cho đau điếng; mỗi cuối tuần lại nghe bố giục đi chữa không thì hỏng mất ngón chân. Nói chung là phiền nhiễu nhưng bây giờ thì mẹ cũng quen quá rồi. Thôi thì để khi nào thuận tiện và con gái lớn thêm chút nữa mẹ sẽ đi chữa vậy.

Nickname mới của con

Từ bây giờ con có một cái nickname mới: NẤM LÙN hay gọi là NẤM cũng được.

Lúc mới sinh con, chọn cho con một cái nickname thật là khó. Nickname phải làm sao nghe thật là yêu, nhưng cũng phải nói lên được một đặc điểm nào đó của con thì mới có ý nghĩa. Vì thế bố chọn cho con cái nickname “My cún” vì con là là con chó cún sinh năm Bính Tuất. Nhưng chị Hoài An đã có cái nickname là “cún” rồi nên cả nhà thống nhất gọi Hoài An là “cún chị”, gọi Trà My là “cún em”. Phân biệt thế nhưng nhiều khi vẫn bất tiện, gọi tắt là “cún” thì vẫn không biết được đang gọi chị hay em. Vì thế, mẹ muốn đặt cho con một cái nickname khác, phải thật là hợp với con mới được.

Cái tên “nấm lùn” chợt xuất hiện khi một hôm đưa con đi dạo, bà ngoại lấy cái mũ trắng viền rộng đội lên cho con khỏi nắng, trông con lúc ấy không khác gì một cái nấm rơm xinh xắn. Mặt khác, “nấm” đi với “lùn” là vì trông con cứ ngắn ngủn thế nào ấy. Đặt con nằm xuống thì còn thấy dài dài. Bế con lên thì con lại ngắn được một tẹo. Thôi thì trông nhỏ nhỏ xinh xinh giống cái nấm thì gọi con là “nấm lùn” cũng được vậy.

Con 5 tháng tuổi

(dài ~ 62cm, nặng ~ 7,7kg)

Sau những lần “đầu tiên” của tháng trước, tháng này mọi thứ với con dường như đã đi vào quy luật. Một ngày của con thường diễn ra như sau:
– 9h00: ngủ dậy (có hôm phải 10h con mới thèm dậy) + tập thể dục;
– 9h15 : rửa mặt mũi tay chân + thay bỉm;
– 9h30 : tu ti một tí nếu như mẹ ở nhà và còn sữa, nếu không thì sữa ngoài;
– 10h00: ăn bột hồ (khoảng 4/5 bát súp);
– 10h30 : ngủ giấc ngắn khoảng 15 ÷ 30 phút;
– 11h30 : tu ti;
– 12h30 : lại ngủ giấc ngắn;
– 13h 00: tắm nếu trời ấm, nếu không thì om mấy ngày mới thèm tắm;
– 13h30 : lại tu ti;
– 14h 00: ngủ giấc dài 2 tiếng (nhưng có hôm thay bằng 2 giấc ngắn);
– 16h30 : tu ti rồi đi dạo;
– 17h30 : ngủ giấc ngắn;
– 18h 00: ị một bãi vào bô (nhưng thường 3 ngày mới được 2 bãi);
– 19h30 : lại ngủ giấc ngắn;
– 20h30 : ăn bột hồ lần 2;
– 22h 00: lên giường chơi chuẩn bị ngủ;
– 23h00 : bắt đầu ngủ giấc đêm, cũng có hôm gần 12h đêm mới thèm ngủ;
– 1h30 : tu ti rồi ngủ tiếp;
– 4h00 : tu ti rồi ngủ tiếp;
– 7h 00: tu ti rồi lại ngủ tiếp đến sáng.

Nói chung là một ngày con ngủ 1÷2 giấc dài, 4÷5 giấc ngắn, ăn khoảng 6÷8 bữa trong đó có 2 bữa bột hồ, ị 1 bãi, tè 6÷8 bãi, đi dạo 1÷2 lần, tắm 1 lần, thay quần áo 1÷2 lần. Lịch của con là như thế nhưng vẫn còn lộn xộn lắm, chưa phải ngày nào cũng như ngày nào nên lắm khi theo con cũng mệt.

Tháng này trời đã chớm hạ nên bắt đầu nóng nực. Con gái vì thế đã được giải phóng khỏi những bộ quần áo dày mùa đông và thay vào đó là những cái váy, quần áo mùa hè. Quần áo của con thì toàn là đồ “second hand” của chị Hoài An lúc trước. Dễ có phải đến hơn 40 bộ. Dài có, ngắn có, áo sơ mi có, váy ngắn tay có, váy 2 dây thì nguyên một giỏ! Đã thế, bác Châu đi công tác Thái Lan, Trung Quốc còn tranh thủ xách vài ba bộ cho thêm phần phong phú! Bà ngoại bảo, Trà My mỗi ngày thay một bộ thì cả tháng chả phải dùng trùng lặp bộ nào. Mỗi tội là con gái mặc điệu thì nhìn như “cái thằng mặc váy”! Tại cái đầu “sư cọ mốc” của con mà lị.

Bây giờ con cũng ngoan hơn hồi trước nhiều (trộm vía!). Con chịu ăn, chịu ngủ, chịu chơi nhưng vẫn còn thấy lạ với mọi người. Con vẫn còn kén người bế, không dễ tính như chị Hoài An lúc bé đâu. Nhưng con cũng không còn khóc lúc bác Lâm, bác Châu bế con nữa. Con cũng giao lưu nhiều với mọi người hàng xóm hơn. Con biết quen cụ Liên, bà Liên, bà Tư, chị Hải Anh, anh Mít. Nhưng mọi người vẫn ngại cái kiểu “khóc lạ” của con nên vẫn chưa dám bế con nhiều.

Sự kiện lớn nhất trong tháng này của con chính là việc con biết lật. Lúc con chưa lật được thì cả nhà sốt hết cả ruột. Lúc con lật được rồi thì đến là khổ với cái kiểu khoái lật của con. Bất cứ lúc nào nằm xuống là con đòi lật. Không được lật hoặc không lật được con đều khóc ré lên bắt đền. Chẳng may mà con lật lúc mới ăn xong thì coi như tiêu luôn bữa ăn ấy vì con tức bụng trớ ra bằng hết. Hay là lúc con ngủ, vừa ngủ con cũng có thể vừa lật được. Vì thế, con cứ nằm xuống là mẹ phải lấy ngay cái gối chèn bên sườn con. Mới đầu chỉ chèn bên trái vì bên phải con không lật được. Nhưng chỉ 2 tuần sau là bên nào con cũng nghiêng được tuốt. Vì thế, bây giờ trước khi đi ngủ, mẹ lại phải chèn chặn, lót ổ cho con giống như hồi con còn trong tháng mà bà ngoại hay trêu là ổ “con ỉn con”.

Ngoài việc lật, cái việc “bạ đâu liếm đấy” của con cũng khiến mọi người bực mình. Liếm tay, liếm khăn, liếm áo mẹ, liếm đồ chơi, đến khi đưa được chân lên miệng thì liếm nốt cả chân. Mà cứ khi nào liếm thì nước dãi, nước bọt của con lại tranh thủ phì ra bẩn hết cả miệng. Ngăn con kiểu gì thì chỉ được lúc trước, lúc sau con lại “nguyễn y vân”. Ơ nhưng mà cái kiểu liếm đấy cũng có lúc được việc! Ấy là lần đổi gió, con bị nhảy mũi. Mẹ sợ nước mũi xuống họng con lại ho nên để phòng bị, mẹ hấp quất với đường phèn cho con ngậm trước. Mẹ lấy cái thìa, nhúng qua nước quất rồi cứ thế đưa thìa lên cho con liếm. Con gái thấy cái thìa xanh đỏ, sướng quá cứ thế là liếm, đến khi nhăn mặt nhăn mũi vì chua và đắng nhưng vì thích liếm quá nên vẫn cứ nhắm mắt nhắm mũi liếm cái thìa. Người ta thì “điếc không sợ súng”, còn con thì đúng là “thích liếm quá không sợ đắng”. Sau này lớn lên biết chuyện này, không biết con gái có giận mẹ không đây.

Bây giờ bế con không dễ chút nào. Con không chịu nằm yên trên tay nữa. Con hay cong người đòi ngóc cổ lên. Thế là, hoặc phải bế con lên cho con ngồi dựa lưng vào người, hoặc phải bế con úp lên vai rồi cứ thế đong đưa. Đôi lúc con lại thích nằm kiểu ngả ngớn trên tay (một tay đỡ đầu, vai và lưng con, một tay vòng qua giữa hai chân để con được 1 chân và 1 tay vắt vẻo). Cứ thế, mỗi lần con khó chịu, vặn vẹo người là phải thay đổi tư thế bế. Nếu không con mà khóc cho thì phải dỗ hàng tiếng mới thôi. Tức lắm!

À, còn một sự kiện nữa! Con biết đi bô rồi nhé! Nhưng chỉ đi ị thôi, còn đi tè thì vẫn tè trong bỉm. Lúc nào mà thấy con mặt đỏ, nghệt ra, mũi hỉnh lên, miệng ngậm chặt và rặn thì phải nhanh nhanh cởi quần, tháo bỉm, miệng xi, mũi nhăn rồi ra lấy cái bô của chị Hoài An mà hứng. Ị xong rồi lại phải một người bế, một người lấy chậu rửa ráy cho con. Phức tạp ghê! Mà từ lúc con biết đi bô, mẹ đỡ hẳn khoản giấy ướt! Chờ trời nắng thêm tí chút mẹ lại đỡ hẳn thêm cả khoản bỉm nữa! Chẳng mấy chốc mà mẹ con mình giàu con nhỉ!

Tháng sau là con gái tròn nửa tuổi, mẹ mong chờ cái mốc này lắm lắm. Chắc lúc ấy con gái biết ngồi rồi, có khi còn biết “pà pà, mạ mạ” nữa ấy chứ. Mẹ sẽ đưa con đi chụp ảnh kỹ thuật số này, đưa đi thăm cụ nội này, đi Bờ Hồ chơi này, đi thăm thằng cu Minh đẻ cùng ngày với con này,… Nói chung là không cho con làm “công chúa cấm cung” nữa! Mẹ khoe với bố thì bố chỉ cười, bố bảo các khoản khác thì bố không có ý kiến, riêng khoản chụp ảnh thì bố chuẩn bị máy ảnh và ống kính xịn rồi, cuối năm bố về bố chiêu đãi ảnh nghệ thuật cao cấp riêng cho con gái “diệu” thôi. Mẹ hơi bị ghen tị đấy nhé! (ơ nhưng mà mẹ không bế con gái thì ai bế cho bố chụp nhỉ?!).

Con biết lẫy

Thứ Bảy, 31/3/2007, con tự lẫy lần đầu.

Buổi chiều, 2 mẹ con nằm chỏng chơ trên giường chat với bố. Con nằm cạnh mẹ chơi một mình, mẹ cứ luyên thuyên nói chuyện với bố mà chẳng để ý gì đến con loay hoay phía dưới chân. Một lúc sau mẹ nhìn xuống thì thấy con nằm úp từ lúc nào. Cái bụng con gián xuống giường, cái đầu ngẩng rõ là cao nhìn xung quanh, hai cái chân cũng hất lên làm người con cong lên như lưỡi liềm. Hai tay con tự chống lên đằng trước trông rất sành sỏi. Con quay đầu nhìn ngó xung quanh một cách tò mò và khoái trá. Mẹ sướng quá khoe ngay với bố và bà. Bố lúc ấy không nhìn thấy con lật vì webcam không quay hết người con. Bà đang ở dưới nhà nghe mẹ khoe nhặng xị cũng liền chạy ngay lên gác. Lúc ấy con cũng tức bụng rồi, con thấy mỏi cổ khó chịu nên kêu đòi nằm ngửa trở lại. Mẹ bế con lật ngửa người lên rồi chờ để xem con tự lật như thế nào. Cả bà và bố mẹ cổ vũ nhiệt tình cho con nhưng phải mãi một lúc lâu sau con mới tự lật thêm được có một lần. Đúng là lần đầu tiên con lật nên con chỉ biểu diễn tí chút cho mọi người háo hức. Buổi tối, mẹ gọi điện về Nam Định khoe với cả nhà. Cả nhà vui nhưng cũng thấy buồn cười vì con nhà người ta 3 tháng rưỡi đã biết lật. Còn con hơn 4 tháng mới lật được mà cứ làm như là con giỏi giang lắm lắm.

Con tự lẫy được mà mẹ thấy sung sướng làm sao. Trước đây, đầu tiên là con biết điều khiển đôi mắt nhìn mọi người rồi hóng chuyện. Tiếp theo là đôi tai, biết nghe tiếng mọi người rồi ngóng cổ nhìn theo. Sau đó là đôi bàn tay, từ chỗ chỉ giơ lên lung tung nhưng rồi đến biết “soi gương”, rồi biết cầm nắm các thứ kéo về phía mình. Tiếp nữa là đôi chân, lúc đầu hay co lên thuần túy chỉ là do mỏi nhưng giờ đã biết giơ cao đập xuống giường uỳnh uỳnh bất cứ khi nào con hứng chí. Rồi đến cái đầu, lúc trước đặt đâu là yên đấy nhưng bây giờ xoay xở nhanh nhẹn hơn nhiều. Và từ giờ trở đi, khi con biết lật, con đã tự điều khiển, đã làm chủ được thân thể của con rồi con ạ.