Con 4 tháng tuổi

(dài 60cm, nặng 7,0kg)

Tháng này xảy ra biết bao sự kiện đối với con. Đó là chuyến du xuân đầu tiên từ Nam Định lên Hà Nội, là trận ốm đầu tiên con đã phải dùng đến kháng sinh, là thời điểm mẹ phải đi làm 1 tuần 4 buổi, là ngày con biết cong lưng tập lẫy nhưng phải giúp thì con mới nằm úp được, là buổi sáng đầu tiên bà ngoại bế con ra ngõ đi dạo, là bát nước cháo sữa đầu tiên con thử ăn thay sữa mẹ, là cách con bày tỏ quen lạ qua những trận khóc gào. Con ngày càng rắc rối nhưng cũng ngày càng đáng yêu với mọi người.

Trong tháng này con ngoan lên trông thấy. Ban ngày con chịu chơi. Ban đêm con chịu ngủ. Con chỉ gắt gỏng lúc buồn ngủ thôi (nhưng điệu gắt ngủ của con thì vẫn khó chịu lắm, đầu tháng thì còn ư ử, cuối tháng thì con dùng hết sức bình sinh mà gào tưởng chừng rát cả họng). Mẹ đi làm, con ở nhà không quấy quả bà và gì Thắng nhiều. 2 tuần đầu con chưa phân biệt được lúc mẹ ở nhà và lúc mẹ vắng nhà. Nhưng đến tuần thứ 3 thì con bắt đầu biết theo mẹ. Lúc mẹ đi con biết nhìn theo, lúc mẹ về con biết mừng đòi ti mẹ. Mẹ về mà lại đi tiếp, không chịu bế con là con gào khóc đến đỏ cả mắt mũi.

Mẹ đi làm nên con cũng được bà ngoại bắt đầu tập cho ăn dặm. Bữa ăn đầu tiên của con vào đúng ngày con tròn 4 tháng tuổi là nước cháo loãng pha sữa. Bà nấu nước cháo từ gạo tẻ, gạo nếp, đậu xanh và một ít cà rốt. Bà chắt một chút nước rồi pha với sữa cho con ăn. Cứ tưởng khó ăn thế thì con sẽ không thích nhưng con ăn một lúc cũng được gần 40ml. Con dễ ăn thế nên từ hôm sau, mỗi ngày bà cho con ăn 1 bữa ăn dặm ngoài. Ban đầu chỉ là nước cháo loãng. Mấy ngày sau cũng là nước cháo nhưng đặc hơn và rau củ trong cháo cũng phong phú hơn. Con làm quen với thức ăn mới nhanh hơn là mọi người tưởng.

Tháng này trời còn rét nhưng cũng đỡ hơn nhiều. Quần áo vì thế cũng mỏng đi. Con vì thế cũng dễ dàng quay trở hơn. Con bắt đầu biết cong lưng, lấy chân đạp xuống giường để tập lẫy nhưng vẫn chưa tự lật người sang được. Mẹ giúp con nằm úp xuống thì con ngẩng đầu rõ là cao, cái chân lại hất ngược lên làm cả người con cong như cái thuyền. Một tay con chỏi lên làm giá đỡ, tay kia lại duỗi ra sờ mó lung tung. Những lúc như thế con thích lắm, vừa cười vừa nhìn ngó xung quanh. Chắc lúc ấy thế giới của con lạ lắm, đảo ngược 1800 mà lị! Nhưng chỉ được một lúc là con đòi nằm ngửa trở lại, chắc tại con thấy mỏi cổ và tức bụng, lúc ấy mà không nhanh lật con lên là con dụi mặt xuống có vẻ tức tối lắm.

Con bắt đầu lớn rồi nên con nhìn thế giới xung quanh cũng “khôn” hơn. Bây giờ thích mút tay thì con phải nhìn ngắm tay mình, đắn đo một lúc rồi mới đưa vào miệng. Lúc bú mẹ thì miệng con vừa mút, tay con lại vừa nghịch ngợm, hoặc là đưa vào miệng mút cùng, hoặc là nắm lấy áo mẹ, hoặc là giơ ra cầm ngón tay mẹ mà đưa lên đưa xuống. Con hay phun bọt phì phì làm trời cứ mưa lun phun không ngớt cả mấy tuần lễ. Mắt con đã đỡ chảy nước mắt sống hơn, cứ hay xoe tròn lên nhìn mẹ lúc mẹ nói chuyện hoặc có ai lạ hỏi con. Mà con kén người bế lắm cơ! Ai mà lạ là con chỉ nói chuyện thôi, bế con là con không thích, cứ hét ầm cả lên. Cho nên muốn bế con là phải xoay con ra đằng trước, nếu con mà nhìn mặt thấy lạ là con khóc liền. Ấy thế nhưng con lại thích bà bế đi dạo ra ngoài ngõ. Ra ngõ nhìn thấy các anh các chị là con thích lắm, thỉnh thoảng hứng chí còn cười toét cả miệng nữa.

Bố tháng này hầu như ngày nào cũng gọi điện, cuối tuần nào cũng chat với 2 mẹ con. Bác Pi (ở cùng nhà với bố) bảo, bố “nghiện” con gái mất rồi. Cứ tưởng bố suốt ngày nhớ nhung con gái thế thì công việc chẳng ra làm sao. Nhưng may mà bố sắp xếp hợp lý, công việc cũng vì thế mà thuận buồm xuôi gió, hy vọng là đến cuối năm bố sẽ về thăm con được.

Mẹ đi làm

Thứ Hai, 12/3/2007. Mẹ đi làm.

Mẹ đi làm sớm hơn 2 tuần. Mẹ chẳng muốn đi làm sớm hơn như thế đâu nhưng vì môn học mẹ dạy bắt đầu đúng thời điểm này. Vả lại, khi mẹ mang bầu, cơ quan đã tạo điều kiện cho mẹ nghỉ ngơi sớm đến mấy tháng rồi. Vì thế, mẹ đi dạy sớm cũng phải thôi.

Ngày đầu tiên mẹ đi làm ai cũng thấy lo lắng lắm. Mẹ đã quen cả ngày bên cạnh con, không biết thời gian mẹ vắng nhà, con ăn uống, ngủ nghỉ ra sao đây. Bà ngoại lo không biết con mà khóc quấy thì dỗ dành kiểu gì. Bà nội lại lo không biết một mình bà ngoại xoay xở ra làm sao. May mà mọi sự cũng êm đẹp (trộm vía!). Trước khi đi làm, mẹ vắt sữa để ở nhà cho con. Vắt mãi cũng chỉ được 80ml. Ở nhà con ngoan, không quấy, chịu ăn sữa bằng thìa chứ không ăn bằng bình. Cũng may có thêm gì Thắng trông con (mẹ với gì là chị em con cô con cậu). Trước đó, bà ngoại tìm người giúp việc mãi không được, may mà gì chịu ra Hà Nội, vừa đỡ đần giúp đỡ mẹ, vừa tranh thủ ôn thi Đại học thêm một năm nữa. Con với gì hợp nhau lắm. Lúc con khóc gắt ngủ, con chịu để gì bế đong đưa một lúc là ngoan ngoãn ngủ ngay (với mẹ, có khi con bắt nạt đến nửa tiếng đồng hồ mới chịu ngủ!). Mẹ đi làm về, con nũng nịu đòi ti, không tỏ ra hờn dỗi gì cả. Con gái ngoan cho mẹ đi làm thế đấy!

Trận ốm đầu tiên

Thứ Sáu, 2/3/2007. Con bị sốt cao.

Nếu không kể 2 cơn nóng sơ sơ hồi con tiêm phòng mũi tổng hợp lần 1 và lần thay đổi thời tiết ở Nam Định thì đây là trận ốm thực sự đầu tiên của con.

Vừa ở Nam Định lên được 2 ngày, con được tiêm phòng mũi tổng hợp lần 2. Bà ngoại và mẹ chuẩn bị tinh thần con sẽ bị sốt sơ sơ trong vòng 48 tiếng sau tiêm giống như khi tiêm lần thứ nhất. Nhưng rồi 24 tiếng, rồi 48 tiếng trôi qua mà con không có biểu hiện gì, vẫn ăn ngủ bình thường, vẫn chơi ngoan không quấy. Cứ tưởng là lần này tiêm con đã quen, không bị làm sao. Ngờ đâu, đến 5 giờ chiều ngày thứ 3 sau tiêm, con bắt đầu hâm hấp nóng, không đổ mồ hôi, lại còn ho và mũi đặc nữa. Mẹ nghĩ chắc là do ảnh hưởng của tiêm phòng giống lần trước, chắc chỉ vài tiếng là khỏi. Mẹ liền lấy trứng luộc và cái lắc bạc bác Châu mua cho con để đánh gió theo cách mà bác Quý từng làm. Con gái có vẻ thích đánh gió lắm, cứ nằm yên mặc mẹ xoa bóp khắp người. Đánh gió xong, cái lắc bạc mới toanh đổi màu đen sì. Nhìn thấy thế ai cũng nghĩ chắc là con sẽ đỡ. Nhưng mồ hôi chỉ toát ra được dâm dấp, con mát được một lúc thì lại nóng trở lại.

Đến 8 giờ tối thì con sốt cao, bắt đầu quấy khóc. 10 giờ, mẹ và bà cặp nhiệt độ cho con thì nhiệt kế chỉ 3707. Con ho và nhảy mũi nhiều, thóp phồng, sau gáy lấm tấm nốt đỏ, biểu hiện giống hệt mấy bệnh mà con tiêm phòng nhưng ở mức độ nhẹ. Con quấy khóc, không ngủ được, khác hẳn lần nóng trước. Mẹ và bà bắt đầu lo lắng. Sáng hôm sau cặp lại nhiệt độ thì đã 3803. Mẹ sốt ruột gọi điện hỏi han nhiều nơi. Mẹ nửa muốn đưa con lên bệnh viện vì lúc đó con sốt cao, nằm xuôi xị không ngủ, nửa lại không muốn vì lúc ấy lại đang có dịch thủy đậu và viêm phổi, mẹ sợ đưa con lên viện lại lây những bệnh ấy thì nguy. May làm sao cô Hồng Hà mách cho mẹ địa chỉ của bác sỹ Dũng, trưởng khoa nhi bệnh viện Việt Nhật, nhà ở ngay bên làng Tám gần nhà mình. 11 giờ, mẹ liền nhờ bác Lâm đèo sang nhà bác sỹ, nhờ ông khám hộ cho con. Ông khám cho con kỹ lắm, khám đi rồi khám lại, cân nhắc mãi rồi ông mới kê đơn thuốc cho con, thuốc tiêu đờm, thuốc hạ sốt và cả thuốc kháng sinh nữa. Nghe đến kháng sinh là mẹ thấy lo rồi, không muốn cho con uống tẹo nào. Nhưng bác sỹ đã suy nghĩ mãi rồi mới kê thuốc ấy, mẹ cũng đành phải nghe theo lời ông, tán thuốc cho con uống.

2h chiều con uống thuốc, đến 3h con mới toát mồ hôi, hạ sốt và ngủ được một lúc. Nhưng chỉ 1 tiếng sau là con sốt lại, người cứ hâm hấp nóng, chân tay cứ xuội lơ. Nhưng cũng may là con còn chịu bú, chịu uống nhiều nước nên thần sắc cũng không đến nỗi nào. 8 giờ tối mẹ lại cặp sốt cho con. Nhiệt kế chỉ 3808. Mẹ lại cho con uống hạ sốt lần 2. Lần này chỉ sau 15phút là con đã toát mồ hôi. Nhưng cũng chỉ 1 tiếng sau là con lại nóng trở lại, nóng đến sốt ruột. Mẹ và bà chờ đến 12 giờ đêm để đủ thời gian giãn cách giữa các đợt thuốc. Nhiệt độ con lúc này là 3807. Bà lại pha thuốc hạ sốt để cho con uống. Con uống xong thì bị trớ ra hết. Bà chờ 15 phút sau pha lại thuốc. Nhưng tự nhiên mẹ thấy con bắt đầu dâm dấp mồ hôi, thở cũng nhẹ nhàng hơn. Thế là thôi không uống thuốc nữa. Từ lúc ấy là con hạ nhiệt độ, nhanh đến không ngờ. Có lúc người con cứ lạnh toát. Mẹ phải lấy khăn khô lau người, lau trán cho con liên tục và lấy quần áo mới thay cho con phòng con bị cảm lạnh do mồ hôi. Đến 2 giờ sáng là con gần như bình thường. Người ấm áp trở lại, hít thở nhẹ nhàng, mũi đôi lúc chỉ hơi khụt khịt một chút. Con ngủ ngoan ngoãn cho đến sáng.

Hôm sau là con đã hết sốt nhưng con vẫn còn mệt, không linh hoạt như bình thường. Mẹ gọi điện hỏi bác sỹ xem có phải đưa con đi khám lại hay không. Bác sỹ không yêu cầu đưa con đi nhưng lại yêu cầu phải cho con uống hết một đợt kháng sinh từ 3 đến 5 ngày để con không bị nhờn thuốc. Thế là mặc dù đã hết sốt nhưng mẹ vẫn phải đều đặn ngày 2 lần cho con uống thuốc kháng sinh và tiêu đờm. Hết 4 ngày là mẹ dừng, không cho con uống nữa. Khổ thân con thế đấy. Không biết sau này thuốc kháng sinh có ảnh hưởng đến sức khỏe và nhan sắc của con không vì thời của mẹ, ai lúc nhỏ phải uống kháng sinh là khi lớn lên, hàm răng đều bị hỏng hết.

Đợt ốm này con chỉ bị có 2 ngày thôi nhưng đây lại là thử thách khó khăn đầu tiên đối với mẹ. Bây giờ mẹ mới cảm nhận rõ rệt cái cảm giác của người mẹ khi con ốm, nào là lo lắng, sốt ruột, thậm chí là hoang mang, không biết nghe lời ai khi mà ai nói thấy cũng có lý. Từ bây giờ, mẹ phải chuẩn bị tinh thần để đối phó với nhiều trận ốm thế này nữa, lúc con tiêm phòng, lúc trái gió trở trời, lúc con biết lẫy, biết bò, biết mọc răng,… Mẹ chỉ hy vọng là con của mẹ đủ sức khỏe để 2 mẹ con mình dễ dàng vượt qua những lúc ấy, con nhé!

Du xuân

Chủ nhật, 25/2/2007, mùng 9 Tết, con gái mẹ có chuyến du xuân đầu tiên lên Hà Nội cùng mọi người. Buổi sáng con dậy sớm lắm. Chưa đến 7 giờ mà mẹ con đã quần áo, mũ mão, ăn uống sẵn sàng. Chả bù hôm trước, cả nhà cứ lo chẳng biết con có chịu dậy sớm để 8 giờ sáng xuất phát được không. Trông con rất xinh trong bộ quần yếm hồng mà cô Phương (con bà Ngò) mua tặng. Lên xe con không chịu ngủ tiếp, cứ hóng hớt nói chuyện với bác Quý và bác Yến, mãi sau mới thiu thiu ngủ được nửa tiếng mà thôi.

Lên đến nhà Hà Nội, việc đầu tiên là cả nhà đi thăm bà cố và nhà mới của ông Minh bà Nhâm. Nhà mới của ông bà đẹp lắm. Ông bà biết từ trước nên chuẩn bị rất chu đáo. Bà cố thấy mọi người lên, bà vui lắm. Ông Minh thì cẩn thận, lấy máy ảnh, máy quay phim quay hết cả nhà. Bà Nhâm hôm ấy vẫn còn đau sau trận ngã xe máy lúc chuyển nhà mới trước Tết, bà đi lại còn chưa vững hoàn toàn nhưng vẫn ngồi chơi với con cả buổi. Chú Hải cô Liên làm nhiệm vụ chuẩn bị bữa trưa, có chú Sơn, chị Huyền phụ giúp. Lúc sau lại có thêm cả bác Yến và bác Quý phụ nữa nên bữa trưa rất thịnh soạn, nóng sốt cho mọi người. Anh Dũng, chị Thủy thì cứ mải mê vào điện tử với cái màn hình Plasma to đùng. Còn con thì chịu chơi nhưng cứ cằn nhằn không chịu ngủ. Chắc tại hôm ấy con lạ nhà, lại đông người nữa nên con khó chịu, quấy quá không thôi.

Đến chiều thì ô tô về đến nhà ngoại. Ông bà ngoại lúc ấy cũng vừa từ Nghệ An ra. Cả nhà nội chỉ chơi được một lúc là lại lên đường về Nam Định. Tối hôm ấy, cả nhà ngoại lại có tiệc vừa mừng sinh nhật chị Hoài An 3 tuổi, vừa tiễn ông ngoại hôm sau bay vào Nam làm việc. Thế là nhà mình lại đông người, con lại khó chịu, khóc lóc mãi không chịu chơi. Đến tận 12 giờ đêm con mới ngủ được giấc ngon lành. Hôm sau ông ngoại tạm biệt cả nhà để vào Sài Gòn làm việc. Con dậy sớm tiễn ông ra taxi. Trước khi đi ông lại lì xì cho con lần nữa. Ông có vẻ lưu luyến con lắm, chắc phải đến tận hè ông cháu mới gặp lại nhau mà!

Con 3 tháng tuổi

(cân nặng 6,4kg)

Ngày 26/1/2007 (8/12/ÂL). Sau một hôm con hơi “tây tây” vì tiêm phòng mũi tổng hợp thứ nhất, 2 mẹ con được 2 bác Thuận – Quý và anh Dũng đón về Nam Định chơi và ăn Tết. Ông bà nội định đón con về từ trước, dịp đám cưới chú Hải nhà ông Minh, lúc con mới được hơn 1 tháng tuổi nhưng vì con còn nhỏ quá, con lại cần tiêm phòng cẩn thận nên đành hoãn lại, đợi con được 2 tháng mới về. Trước khi về, mẹ đã chuẩn bị lỉnh kỉnh bao nhiêu là đồ mà chủ yếu là đồ phục vụ con. Mẹ mang cả chậu tắm, máy sưởi, màn chụp, cả thùng bỉm to tướng lẫn túi quần áo ấm to đùng, kể cả cái xắc xô yêu thích mà chị Hoài An mua cho con nữa! Cứ như là chuyển nhà ấy!

Về Nam Định mẹ chỉ sợ con vẫn còn hư, quấy quá ông bà nội và 2 bác. Nhưng may mắn làm sao, con tự nhiên thay đổi hẳn (trộm vía)! Mất mỗi một hôm đầu, còn lại suốt thời gian ở Nam Định con đều ngủ đêm rất ngoan. Cả đêm con đều ngủ được 8 – 10 tiếng, con chỉ dậy 1 – 2 lần để bú rồi ngoan ngoãn ngủ tiếp. Chỉ có điều là ngủ muộn (có đêm phải 1 giờ sáng con mới ngủ), dậy muộn (có ngày phải 11 giờ mới thèm dậy!). Ban ngày thì cứ thức 1 tiếng, con lại ngủ được gần 1 tiếng. Một ngày vài giấc ngắn như vậy. Con cũng không hay khóc gắt gỏng như trước nữa trừ những hôm đổi gió mà thôi (đâu 2 hay 3 lần gì đó). Đúng là như bà ngoại nói, con về nhà nội, là ruột rà của con, con sẽ khác!

Con rất thích “nói chuyện” với mọi người, nhất là ông nội, bác Thuận và anh Dũng (nói chung là “đàn ông con trai”!). Con đã biết nói chuyện ầu ầu, đã biết cười thật tươi khi mọi người hỏi, không ngu ngơ như trước nữa. Nhiều lúc hứng chí, con còn cười răng rắc. Con cũng đã biết nhìn theo, biết ngóng và biết “gọi” mẹ lúc muốn. Sáng dậy con thích tập thể dục. Tối đến con thích vừa nằm vừa tu ti để dễ ngủ. Lúc muốn, con đòi nằm ghế hay nằm xe nôi cho dễ chịu (thích nằm đến bẹp cả đầu!). Con còn thích mút tay cho đỡ cơn ghiền bú. Con lớn hẳn lên rồi!

Cả nhà đều chiều 2 mẹ con mình. Bà nội và bác Quý thì kiêng cữ cho mẹ rất cẩn thận. Bà còn đun cả nước sôi để nguội cho mẹ tắm, cho mẹ ăn những thức ăn lành. Ông nội thì chuyên giặt giũ cho con. Ban đầu ông còn định nhường giường ông cho mẹ con mình để ông ra nằm ngoài phòng bếp. May mà khuyên được ông để 2 mẹ con lên phòng bà Thanh không thì tội nghiệp ông. Bác Thuận thì phải giảm bớt hút thuốc vốn là sở thích của bác, lúc hút hoặc là phải ra ngoài sân ngồi, hoặc phải chạy xuống dưới phòng bếp để không làm ảnh hưởng đến con (tiếc là bác không bỏ quách đi cho rồi!). Bác Quý hay phụ mẹ tắm cho con. Hôm con bị cảm do trời nổi gió đông, bác còn đánh gió cho con bằng 1 quả trứng và 1 đồng bạc rất hiệu nghiệm. Anh Dũng và chị Thủy thích chơi với con lắm. Anh chị vừa chơi lại vừa còn tranh thủ thơm lấy thơm để 2 cái má phinh phính của con nữa! Cũng vì thế mà anh Dũng tự nhiên sạch sẽ hẳn lên (vì mẹ yêu cầu muốn chơi với con là anh phải rửa tay, rửa mặt sạch sẽ). Chị Thủy thì lúc nào cũng yêu em, thích tắm rửa, tập thể dục cho em. Chỉ mỗi tội là chị hơi bị “ghen”. Bà và mẹ chị mà bế em là chị không thích đâu, phải yêu chị trước cơ. Chị mới 4 tuổi thôi mà!

Về nhà con cũng có thêm nhiều “bạn”. Ngoài “bạn” quạt trần, con còn thích thêm “bạn” cửa sổ, ti vi, cây đào Tết, cái chuông gió có con chó vàng, toàn là “bạn” không có “mồm” mà cứ thích “nói chuyện”. Ấy là chị Thủy bảo thế! Chị đâu biết rằng con của mẹ bắt đầu lớn, thích nhìn ngắm, tìm hiểu thế giới xung quanh. Mẹ biết thế nên nhiều lúc tháo bao tay cho con làm quen với đôi tay của mình, nhưng con lại hay quơ quào lên mặt nên mẹ lại phải đeo vào.

Tháng này có Tết nên không khí rất vui. Bác Thuận năm nay có Trà My về nên thay đổi, không chơi Tết bằng quất nữa mà thay vào đó là một cành đào phai rất đẹp. Lúc đầu cành đào chỉ giống cành củi khô nhưng đúng đến Tết thì nở hoa nảy lộc trông rất sướng mắt. Bác Quý còn trang trí thêm mấy bình hoa tươi trong nhà ngoài sân làm ai bước vào nhà cũng thấy ngập tràn khí Tết. Ông bà ngoại và 2 bác Lâm – Châu thỉnh thoảng lại gọi điện hỏi thăm, chúc mừng năm mới. Mọi người đến chơi Tết đông vui, không quên phần lì xì cho Dũng, Thủy và cả con nữa.Có mỗi một điều đáng tiếc là bố Hoàn của con chỉ được đón Tết qua webcam, làm đêm giao thừa không khí tự nhiên buồn hẳn, không vui vẻ như mấy năm trước. Chẳng biết Tết năm sau bố có về được không. Bố về cả nhà mới đầy đủ, mới vui được.

Hết Tết là 2 mẹ con lại lên đường ra Hà Nội. Cả nhà nhân đây cũng lên Hà Nội một chuyến, vừa là đưa chân 2 mẹ con, vừa lên thăm bà cố, vừa xem nhà mới ông Minh. Không biết có phải là sắp tạm biệt ông bà nội không mà mấy ngày sắp đi Hà Nội, con tự nhiên đâm hư, hay quấy khóc trước khi ngủ. Hay là con lại thay đổi, lại sang một chu kỳ mới chăng?