Con 2 tháng tuổi

(cân nặng  5,7kg)

Quả thật, sang tháng thứ 2 con vẫn chưa ngoan lên tẹo nào. Giấc ngủ thì lung tung, giấc dài giấc ngắn, chẳng có nề nếp thì sất! Ăn uống vì thế cũng lộn xộn theo. Khóc thì gắt gỏng kinh khủng, dỗ mãi không chịu nín. Cả tháng mà chỉ có 5 đêm mẹ được ngủ đủ 6 tiếng, còn lại là những giấc ngắn theo con, thậm chí có đêm cả mẹ và bà thức trắng với con vì con khó ngủ. Tuy vậy, con dường như cũng đã ý thức được ngày và đêm. Mỗi tội là con lấy ngày làm đêm và ngược lại, lấy đêm làm ngày. Ban ngày con ngủ ngoan, không khóc. Nhưng cứ đến 10 – 11 giờ đêm là con bắt đầu thay đổi. Ban đầu là khóc ri rỉ, rấm rứt, sau tăng dần là khóc thét, cái mồm cứ ngoác ra, cái mặt thì đỏ phừng phừng, cái người thì ưỡn ra cứng đơ đơ, dỗ thế nào cũng không thèm nín. Chỉ đến khi con thấy mệt, tìm ti thì lúc ấy con mới chịu bú rồi ngủ. Bà ngoại bảo, có khi con thích sinh hoạt theo giờ giấc của bố ở Hà Lan cũng nên (2 nước chênh nhau 6 tiếng).

Tháng này con vẫn chưa hết vặn vẹo nhưng cũng đã đỡ hơn nhiều. Con bú đã bắt đầu nhiều lên. Mẹ vẫn duy trì chế độ ăn giàu chất tạo sữa (cháo móng giò, gà tần, đu đủ,…) nên cũng đủ sữa cho con bú, không phải bú sữa ngoài. Con vẫn được tắm hàng ngày mặc dù tháng này là tháng cực kỳ rét mướt. Tháng này con hay bị nôn trớ hơn. Có hôm cả ngày phải thay những 4 lần quần áo. Giữa tháng con bắt đầu biết hóng chuyện với ông bà và mẹ. Con thích nghe mẹ hát ru nhưng không thích nghe nhạc từ đĩa. Con cũng bắt đầu được xuống nhà dưới (lúc trong tháng, 2 mẹ con phải ở lỳ trên gác, không được xuống dưới nhà). Xuống được vài hôm mà con đã biết phân biệt nhà trên nhà dưới. Con thích ở dưới nhà hơn vì đông người, vì con còn được hóng hớt với “bạn quạt trần”. Đến tối phải lên gác là con mè nheo đủ chuyện.

Bố vẫn đều đặn gọi điện về thăm con. Cuối tuần, bố mẹ đều online để cho bố được nhìn thấy và nói chuyện với con. Mẹ phải mang cả webcam và headphone để ngay cạnh giường cho bố dễ dàng trông thấy con. Có những hôm, mẹ online cả đêm để bố có thể “xem” con ngủ thế nào nhưng bố không dám, sợ làm mất giấc ngủ của cả mẹ và con. Có hôm bố còn “chỉ đạo” cả mẹ không được vừa thay bỉm vừa xi con ị vì sợ lạnh hay phải kiểm tra nước tắm không được để nóng quá làm con bị đỏ da. Bố thương con lắm nhưng ở xa chẳng biết làm thế nào, lúc nào cũng mong vào mạng để nhìn ngắm con, để được nghe con khóc. Tội nghiệp bố ghê, thấy con mà chẳng được sờ, được bế, được hôn hít cái cục máu mủ của bố. Khi nào về chắc bố sẽ đền con xứng đáng lắm đây, cái “chim cụt”, cái con gái “diệu”, cái “gâu gâu cạc cạc”, cái My “cún” của bố nhỉ!

Con 1 tháng tuổi

(cân nặng 4,6kg)

1 tháng tuổi đầu tiên của con là 1 tháng của đứa trẻ “vô tri vô giác” theo cách nói đùa của bố. Con chỉ biết ăn, ngủ, ỉa, đái, nôn trớ và khóc. Những nụ cười của con vẫn còn vô nghĩa lắm. Cười của bà mụ dạy. Bà mụ hay dạy con trong lúc ngủ. Lúc đấy nhìn con cười, mếu, hờn, méo miệng, dướn mày, nhăn mặt trông đáng yêu lắm cơ. Nhưng cái cười con chẳng thèm áp dụng, toàn thực hành cái khóc cái hờn thôi.

“Vô tri vô giác” thế nhưng 1 tháng đầu của con là 1 tháng mà con phải chống chọi với bao nhiêu thứ mới mẻ nhưng khắc nghiệt của cuộc sống bên ngoài bụng mẹ. Con phải tự thở bằng mũi, tự ăn bằng miệng chứ không phải bánh nhau và cuống rốn “thở” hộ, “ăn” hộ cho con nữa. Con phải chịu đựng thời tiết dưới 200C (có lúc nhiệt độ xuống chỉ còn 110C với cái rét cắt da cắt thịt) mà khi còn trong bụng mẹ lúc nào con cũng được nằm trong nước ối ấm áp. Con lại còn phải chịu giơ tay giơ đùi để bác Thái tiêm phòng cho đau điếng. May làm sao con của bố mẹ có sức khỏe (trộm vía!) nên mọi sự cũng được bình an. Chẳng giống như cu Tường Minh con cô Hồng Hà đẻ cùng ngày với con, mới 1 tháng mà đã mấy lần đi viện vì viêm mũi, viêm họng.

Tháng này con hay vặn mình lắm. Bế trên tay hay nằm trên giường, con cứ vặn vẹo lung tung. Lúc đấy, cái lưng thì cong lên, cái chân bình thường hay co lại thì cứ gập vào trong bụng, hai tay lúc ngủ hay giơ lên đầu (như kiểu đầu hàng) thì cũng co gập vào người, mặt mũi thì đỏ gay đỏ gắt. Nhìn đến là tội! Bà ngoại thì bảo, có khi tại lông người con nhiều nên ngứa, định tắm bằng lá mơ cho con. Nhưng bác Hương kiểm tra thì thấy con bình thường, không cần thiết phải làm như vậy. Sau này mẹ hỏi nhiều người thì họ bảo đứa trẻ nào cũng thế cả. Có lẽ vì đây là giai đoạn phát triển nhanh nhất của đời người nên con lớn nhanh, cơ thể phát triển, con phải vặn vẹo cho đỡ “ngứa xương”!

Ngày con tròn 1 tháng tuổi, cả nhà định làm lễ mừng chẵn tháng cho con. Nhưng rồi mẹ nghĩ, nhà nội con thì ở Nam Định, bố con lại đang còn đi học xa, mẹ thì vẫn chưa hết kiêng cữ, ông bà ngoại thì suốt ngày vất vả, bác Lâm – Châu thì bận tối mắt tối mũi nên mẹ quyết định không làm cỗ bàn gì nữa. Sau này bố về, bố mẹ hứa sẽ làm sinh nhật bù cho con! Tuy vậy, các bác và ông bà hàng xóm, các ông bà chú bác 2 nhà nội ngoại, các bác, các cô chú trên cơ quan bố mẹ đều đến chia vui mừng con đầy tháng. Các bà, các bác nhà ông bà nội ở Sài Gòn và Nam Định, nhân đám cưới chú Hải nhà ông Minh cũng đến thăm và mừng cho con.

Ở nhà không làm lễ mừng chẵn tháng cho con nhưng ở Hà Lan thì khác, bố vẫn quyết định tổ chức party mừng cho con. Đến cơ quan, theo đúng phong tục Hà Lan, bố mua bánh truyền thống đến mời bạn bè đồng nghiệp. Ở nhà, bố và các bác bên ấy làm party mừng con 1 tháng tuổi. Bạn bè của bố đều nhiệt tình hưởng ứng, lại mua cho con nhiều quà, nhiều quần áo đẹp. Chỉ tiếc là quà của mọi người bố không thể gửi về cho con sớm được nên nhiều cái con chưa dùng đã bị chật, mẹ đành gấp lại cất đi làm kỷ niệm.

Tháng đầu tiên con thì hư, mẹ thì vất vả vì chưa quen, nghe mọi người an ủi “ra tháng sẽ khác”, mẹ đếm từng ngày mong cho tháng thứ nhất qua mau. Nhưng nghe chừng tình hình sang tháng thứ 2 cũng chưa khả quan gì.

Tên của con

Con được 10 ngày tuổi thì ông ngoại làm giấy khai sinh cho con. Bố đặt cho con cái tên rõ là điệu đà: Nguyễn Trà My. Một cái tên nghe nhẹ nhàng, yêu yêu.

Cái tên con được chọn lựa rất là kỹ càng. Bố và mẹ đã dự định tên con ngay từ khi con mới 4 tháng trong bụng. Lúc đấy, nào sách báo, nào Internet, nào tham khảo thực tế, nào ý kiến của mọi người, bao nhiêu là tên được đưa ra để lựa chọn. Ban đầu, bố thích tên là Hương Ly để có mẹ Lý con Ly nhưng bác Quý bảo, sau này nó “ly hương” thì làm sao. Thế là thôi. Mẹ thì thích nhiều tên lắm nhưng thích nhất là Ban Mai, Thảo Nguyên hay Bình An. Nhưng tên Mai thì bà ngoại không thích, bà bảo bà chẳng thấy ai tên Mai mà sướng cả. Tên Nguyên để sau này nếu có em trai thì đặt tên là Bình Nguyên hay Khôi Nguyên thì bố con lại không thích. Còn Bình An với ý nghĩa là ghép tên 2 quê hương Yên Bình và Thanh An nhưng bố con chúa ghét cái kiểu đặt tên này. Ông nội thì thích tên Thanh Thúy hay Thanh Trà để có tên đệm Thanh giống bố, nhưng bố con lại không duyệt. Ông ngoại thì bảo, hay là đặt tên là Hà Lan để nhớ lúc con sinh ra bố con đang ở Hà Lan nhưng đặt tên kiểu này bố con cũng không ưa. Qua bao nhiêu lần tranh luận, cuối cùng cái tên Trà My mới được duyệt. Lúc công bố tên con mới biết, hóa ra tên này bác Lâm định đặt cho chị Hoài An lúc trước nhưng tên của chị do ông nội (tức là ông ngoại con) đặt thấy hay lắm rồi nên bây giờ mới có tên “phần” cho con đấy!

Những ngày đầu tiên

2 ngày đầu tiên ở bệnh viện nên mọi sự chưa có gì phức tạp. Ngày thứ 3 trở đi mới là bắt đầu những thử thách. Mẹ chỉ chuẩn bị tâm lý sinh con mà chưa chuẩn bị tâm lý nuôi con. Mẹ bị stress nặng. Vì con hư quá!

Những trẻ khác lúc mới ra đời phần lớn là ngủ, giấc ngủ kéo dài chí ít cũng phải 2 tiếng đồng hồ. Nhưng con thì khác. Con ngủ giấc chỉ 30 phút, cả ngày chỉ 9 – 10 tiếng là cùng. Rồi con dậy, con khóc. Con lại ngủ ngày, chẳng thèm ngủ đêm. Mẹ phờ phạc vì vết thương còn đau, vì rối loạn nếp sống và vì chưa có tí kinh nghiệm nuôi con nào hết! Con khóc mẹ chỉ biết ôm con mà nựng nịu. Cho con ti thì chẳng có tí sữa nào. Đành phải cho con bú bình suốt tuần lễ đầu tiên.

Bú bình nên con ị táo. Ngày thứ 7 bú bình con không chịu ị. Mẹ và bà cứ chờ đợi. 10 tiếng, rồi 12 tiếng, rồi 1 ngày, đút đít mật ong mà vẫn chưa thấy con ị. Bình thường, lúc trong tháng thì con phải ị một ngày 5, 6 lần. Bà ngoại lo quá, chạy ra hiệu thuốc mua lọ thuốc xịt cho con, nhưng bác Hương lại bảo, mấy ngày chưa ị vẫn không có vấn đề gì hết, có đứa còn 7 ngày mới thèm ị nữa là! Thế là mẹ gắng chờ, chưa xịt thuốc cho con (vả lại, nhìn cái ống xịt, tưởng tượng phải đút cả cái đoạn ống dài ấy vào cái lỗ đít bé tí của con, mẹ không dám!). 2 ngày sau con mới ị. Buổi sáng một bãi đại tướng, buổi chiều một bãi đại tá! Nhìn con ị mà thấy sung sướng làm sao!

4 ngày sau đẻ, sữa của mẹ mới về. Nhưng ít quá! Nhưng mẹ vẫn cho con bú. Con lại chỉ chịu ngậm một bên, một bên con kiên quyết không thèm ngậm. Thế là mẹ đành cho con bú một bên, còn một bên mẹ phải dùng dụng cụ vắt sữa. Tay mẹ vắt được khoảng 10 ngày thì đã cứng có chai, mỏi lắm nhưng rồi cũng quen.

Ngày thứ 3, tự nhiên da mặt con chuyển màu vàng, nhất là phía bên phải vùng thái dương chạy xuống đến má. Hôm đấy bác Quý lên chơi với con, bác bảo, đấy là vàng da sinh lý, không có gì đáng lo. Quả thật, con chỉ bị vàng da một buổi sáng, buổi chiều đã thấy hết, da con dần dần trở nên trắng hồng rất dễ thương. Chỉ ghét mỗi điều là bình thường da con trắng hồng nhìn rất thích, nhưng khi con khóc hay vặn mình thì da đỏ lựng lên trông đến là ghét.

Con hư nên cả nhà vất vả theo con, nhất là bà ngoại. Ngày bà phục vụ cả nhà, đêm lại nằm cùng 2 mẹ con để thêm chút hơi ấm cho mẹ con đỡ phần rét buốt. Ông ngoại cũng thương 2 mẹ con lắm. Ông tranh thủ ngủ đêm để sáng dậy bế con cho mẹ ngủ. 2 bác Lâm – Châu tuy bận nhưng cũng tranh thủ lúc rỗi rãi bế con cho mẹ nghỉ. Chị Hoài An cứ đi học về là lại đòi lên gác “thăm em”. Cả nhà Nam Định thương con nhưng ở xa chẳng biết làm thế nào, chỉ gọi điện động viên mẹ con được thôi. Con được 5 ngày thì bà nội lên chơi với con. Bà cũng chiều con lắm. Ngày nào bà cũng sang nhà thăm con. Chỉ cách 1 buổi không lên thăm là bà nhớ con lắm rồi. Bố thì khỏi nói, giữa tuần gọi điện về liên tục, tranh thủ cả giữa lúc làm thí nghiệm để gọi hỏi con, cuối tuần thì online và quay webcam để nhìn con được rõ. Ảnh của con thì bố mới nhận giờ trước, giờ sau đã thấy “quảng cáo” trên trang web riêng của bố rồi (dongchay.com).

Chăm con cũng lắm kỳ công. Ăn, ngủ, ỉa đái và cả tắm nữa. Ông bà ngoại suốt ngày đun nước rồi bê lên gác, đổ vào 1 cái xô đỏ để cho nguội mà tắm cho con. Bà ngoại còn chịu khó hôm thì đun nước chè xanh, hôm thì nước lá canh giới, hôm lại là nước cỏ đắng để tắm cho con khỏi bị lạnh và ngứa. Lúc con tắm thì phải có sẵn sàng 1 cái máy sưởi, 1 cái máy hơ quần áo để lúc nào con cũng được ấm. Con đẻ mùa đông nên vất vả thế đấy.

15 ngày đầu thì bác Hương (nhà bà Tròn ông Hạnh) tắm cho con. Phải nhờ bác vì lúc ấy con còn chưa rụng rốn. Cả bà ngoại và mẹ đều sợ không dám tắm cho con vì mẹ thì chưa có kinh nghiệm, bà thì lâu rồi không tắm cho trẻ con (chị Hoài An 2 tuổi rưỡi rồi mà lị). Sau đấy thì bà ngoại tắm. Được 15 ngày nữa, tức là con chẵn 1 tháng, mẹ mới bắt đầu tắm cho con. Lần đầu tiên mẹ lóng ngóng lắm, cứ cầm chặt tay con làm con đau khóc ré lên. Sau rồi mẹ cũng quen dần, không muốn ai khác tắm cho con nữa. Ban đầu con cũng không thích tắm lắm đâu, hay khóc nhè kinh khủng. Sau rồi con mới thích, cứ vớt lên khỏi nước là con khóc. Lúc tắm cho con là lúc thấy con lớn dần. Cái người lúc đầu thả trong chậu tắm còn thấy rộng rãi, được 3 tháng là hoặc phải ngóc đầu, hoặc phải thòi chân. Cái đùi, cái tay lúc đầu nắm thấy mềm nhão, được 1 tháng đã thấy chắc tay. Quần áo thay đổi từ số 1, bỏ qua số 2 mà lên hẳn số 3. Mấy cái mũ thì có cái chưa đội lần nào đã chật. Bỉm thì chắc phải dùng đến một núi! Mấy ngày đầu, một ngày thay những mười mấy lần! Về sau giảm dần nhưng cũng phải dùng 5 – 7 cái một ngày.

9 ngày rốn con mới rụng. Bà ngoại bảo đúng là con gái 9 vía! Cái cuống rốn rụng đi bà ngoại lấy sợi chỉ hồng buộc treo lên đèn cho con. Bà bảo như thế mới “sáng bụng sáng dạ”! Chẳng biết sau này con có được như thế không. Cái rốn còn lại thì bé tí tẹo, vệ sinh khó ơi là khó! Cả nhà mừng vì con gái có cái rốn xinh. Chẳng ngờ đến tháng thứ 2, con khóc nhiều quá, rốn lồi lên trông rõ là xấu, ấn vào lại còn kêu “phọp phọp” nữa chứ! Gọi điện về cho bà Tám ở Nghệ An thì bà bảo, đấy là sa ruột rốn, không cần chữa, đến 1 tuổi sẽ hết thôi. May làm sao đến hết tháng thứ 3 thì con ít khóc, rốn xẹp lại nhưng chẳng còn xinh như lúc đầu nữa. Con thấy tác hại của khóc chưa?

Nhưng không phải lúc nào con khóc cũng là xấu. Mấy ngày đầu con khóc suốt, chắc là vì khó chịu khi phải thay đổi môi trường từ trong bụng mẹ ấm áp ra ngoài không khí giá lạnh. Ăn con khóc, ngủ con khóc, ỉa đái con khóc, mà chẳng làm sao tự nhiên con cũng khóc! Những cái khóc ấy dần dần mẹ cũng quen và đoán biết được. Nhưng cái khóc gắt ngủ của con mới đáng ghét chứ! Nó cứ choe chóe inh cả tai. Lúc đấy phải gọi là gào chứ không phải khóc. Nó lại vào buổi đêm nữa nên hàng xóm cũng điếc tai, mất ngủ vì con. Những lúc như thế là phải cho con bú, nếu không thì phải kiểm tra bỉm xem có ỉa đái gì không mà thay (có khi chỉ đánh rắm ra tí cứt mà con đã gào tướng lên rồi – mà con thì rắm rít tít mù lắm cơ), con không chịu thì phải ôm con lên nựng, không được nữa thì phải ra khỏi giường đi dạo (có khi hàng tiếng đồng hồ), đến thế mà vẫn không được thì đành chịu để con khóc chán thì thôi vậy. Những lúc như thế mẹ nản lắm, cứ nghĩ sao mà khổ thế, có khi sợ không dám sinh thêm em cho con nữa. Lúc ấy mẹ cũng mong có bố ở nhà ghê! Bố mà ở nhà ít nhiều cũng đỡ đần được mẹ, chí ít cũng giải tỏa được về mặt tinh thần. Sau này con cứ bắt đền bố nhiều nhiều vào!

Những ngày đầu tiên của con là như thế. Những vui sướng ban đầu nhanh chóng nhường chỗ cho những lo lắng, vất vả, những đêm thức trắng và những ngày bận rộn. Con lớn dần theo từng tháng và tình cảm của bố, mẹ và con cũng ngày càng gắn bó.

Mẹ sinh con

Ngày con ra đời là một ngày bình thường. Nhưng trước đó 2 ngày thì lại là một ngày đặc biệt – 20/11, ngày Nhà giáo của bố mẹ và cũng là ngày sinh nhật mẹ theo lịch âm. Sáng mẹ đi khám, mọi sự vẫn bình thường. Tối đến, trời làm một cơn mưa đá kinh thiên động địa. Mất điện, mưa, gió. Cả nhà lo lắng con đòi ra lúc này. Nhưng con chưa đòi. Hôm sau, trời trở lại bình thường và con cũng rục rịch đòi ra. Nhưng mẹ vẫn chưa muốn đến bệnh viện. Mẹ sợ phải ở lại viện, sợ phải chứng kiến cảnh người khác la hét khi sinh em bé. Mẹ muốn chờ đến lúc không thể chờ được nữa.

Cả đêm 21/11 mẹ không ngủ, nằm đếm từng cơn co. Mẹ biết con sắp ra nhưng vẫn cố chờ cho trời sáng để ông bà ngoại và bà Lam có thể ngủ được một giấc trọn vẹn, phòng khi phải trực nếu đêm hôm sau mẹ mới sinh. 6h sáng ngày 22/11, mẹ quyết định đi viện. Mẹ tranh thủ ăn sáng, lau người thay quần áo, đến 7h thì bác Châu chở mẹ đến viện Việt Nhật trong khi trời tự nhiên chuyển gió lạnh. Mẹ nhập viện ngay sau đó. Mẹ thay bộ váy đẹp đẽ sang bộ váy áo của bệnh viện. Bộ váy xấu khủng khiếp mà có lẽ trên đời này chỉ để dành cho các bà đẻ!

Bà ngoại và bà Lam chờ mẹ và con bên ngoài phòng đẻ. May sao bệnh viện cho phép mẹ có thể đi ra vào thoải mái. Cả buổi sáng mẹ cứ ra ra, vào vào, cười cười, nói nói, rồi tranh thủ ăn uống, đi lại, vê ti và thở. Cơn đau chưa làm mẹ thấy sợ. Mãi đến 2h chiều mà mẹ mới mở được 2 phân. Bà ngoại lo quá, định nhờ bác sỹ can thiệp để mẹ có thể đẻ chỉ huy. Mẹ nửa muốn nửa không, đành bảo bà thôi chờ thêm lúc nữa vậy. Đến 4h thì cơn đau thực sự mới bắt đầu hành hạ. Mẹ quằn quại trên giường, không thể đi đứng được nữa. Nhưng mẹ bắt mình phải tỉnh táo, không được la hét vì sợ mất sức. Mẹ nhắm mắt cố gắng tập trung vào việc thở những lúc cơn đau lên đến đỉnh điểm và cố gắng xả hơi giữa các cơn đau. Mẹ cố hướng suy nghĩ của mình đến điều được ghi trong sách “vượt qua từng cơn đau để đến gần với con hơn”.

5h30 chiều thì mẹ được đưa vào phòng đẻ. Nhưng vẫn chưa phải lúc con ra. Mẹ nằm một mình, đối phó với những cơn co và những cơn rặn “mắc đẻ”. Bác sỹ thì chưa sang đến phòng mẹ nằm vì mẹ vẫn chưa mở hết. Mẹ muốn rặn con ra lắm rồi mà chưa được phép. Đến 6h thì các bác sỹ vào. Đón con ra có 1 bác sỹ, 1 cô y tá, 1 cô điều dưỡng và bác Hằng (là em bác Hương hàng xóm nhà mình). Mẹ cũng chẳng nhớ được tên các cô, các bác ấy vì không còn tâm trí đâu mà để ý nữa. Mẹ chỉ muốn rặn mà thôi!!!

Rồi cũng đến lúc con chào đời! Phải đến 6 hay 7 hơi rặn gì đó thì mẹ mới đẩy được con chui ra. Đúng là lý thuyết mẹ nắm rất vững nhưng lúc thực hiện thì toàn làm ngược. May mà mẹ có sức nên có rặn thêm mấy hơi nữa mẹ vẫn làm được! Lúc con ra, con khóc, bao nhiêu đau đớn tự nhiên tan biến hết, một cảm giác khoan khoái đến kỳ lạ tràn ngập khắp cơ thể mẹ. Mẹ cố nhìn đồng hồ để ghi nhớ giờ phút con chui ra. 18 giờ 14 phút ngày 22 tháng 11 năm 2006, tức ngày 2 tháng 10 năm Bính Tuất. Mẹ cũng cố ngoái nhìn xuống dưới để xem con thế nào nhưng chẳng thấy được, chỉ nghe tiếng khóc choe chóe của con. Chắc lúc đấy cô y tá đang lau chùi và ủ ấm cho con. Lúc sau thì bác Hằng bế con ra cho mẹ nhìn con. Mẹ nhìn con mà chẳng biết nói gì, chỉ thấy 2 khóe mắt ngân ngấn. Mẹ thấy con cứ là lạ thế nào!

2 tiếng sau 2 mẹ con mới được ra nằm phòng ngoài. Mọi người dường như đã chờ đợi từ lâu lắm. Mà con biết không? Biết bao nhiêu người chờ đón con ngoài hành lang bệnh viện: ông bà ngoại, bà Lam, ông bà Linh – Dy, ông bà Minh – Nhâm, bà Mười, 2 bác Lâm – Châu, chị Hoài An, cô chú Giang – Long và cả chú Chiến nữa. Xem lại băng video hôm ấy, thấy gia đình mình cứ như là đi họp chợ, vừa buồn cười mà cũng vừa cảm động! Bố thì cả ngày cứ như ngồi trên đống lửa, gọi điện về liên tục. Lúc mới từ phòng đẻ ra, nghe tiếng bố qua điện thoại hỏi mẹ hỏi con, mẹ thấy lúc ấy sao mà muốn khóc thế. Khóc vì mừng mẹ đã giỏi giang vượt cạn thành công, khóc vì bố con đã thành “bố của trẻ con” như bố mong từ lâu lắm rồi.

Trông con lúc mới đẻ ra hay lắm cơ! Con nặng 2,9kg. Khuôn mặt thì nhỏ, cằm thì nhọn hoắt, đầu thì lắm tóc nhưng tóc lại ngắn tủn đúng kiển húi cua giống bố, lưng dài chân ngắn (kiểu này sau này dễ dài lưng tốn vải, lười nhác lắm đây), người bé nhưng tròn lẳn, mắt to, đen, giống hệt mắt bố với 2 lông mày cứ thích nhướn lên nhưng mắt phải lúc nào cũng bị chảy nước mắt sống (không rõ là do ảnh hưởng của nước ối hay tắc tuyến lệ), mũi con cao cũng giống bố nốt. Có lẽ mỗi cái miệng là còn hy vọng giống mẹ. Sau này bà ngoại bảo, con giống hệt bố từ đỉnh đầu đến gót chân, trừ mỗi chỗ cần giống thì lại chẳng thèm giống!

Bà ngoại đón con từ tay bác sỹ, con cứ mở mắt nhìn hau háu. Sang tay bà Nhâm con cũng không khóc, không ngủ. Pha cho con 30ml nước mật ong rồi sau đấy là 30ml sữa mà con ăn một mạch hết sạch. Ai cũng phì cười cho là con sau này chắc “ăn thùng uống vại” lắm đây. Mãi phải đến một lúc sau con mới ngủ ngon lành trên tay bác Châu. Mẹ thì cứ đắm chìm trong sung sướng, cười cười nói nói với mọi người suốt, không thèm tranh thủ ngủ vì cứ nghĩ đến đêm tha hồ mà ngủ.

Dè đâu, cả đêm mẹ không ngủ vì đau vết thương và đau do co dạ con. Bà ngoại cũng trằn trọc cả đêm phục vụ mẹ. Bà Nhâm cũng ở lại bệnh viện chăm sóc con không ngủ được tẹo nào. Đêm ấy con ngoan, chỉ ăn, ngủ, ị, đái một chút nhưng cứ phải ôm thì con mới chịu, nếu không là con lại khóc. Ngày hôm sau, mẹ cố chịu đau tập đi lại. Cũng may mẹ hồi sức nhanh. Nếu hôm đấy không phải ngày mùng 3 thì 2 mẹ con cũng đã xuất viện. Nhưng bà ngoại có kiêng có lành, quyết định hôm sau mùng 4 mới xuất viện. Đêm mùng 3 ở viện con bắt đầu quấy khóc, dỗ cũng không chịu nín. Đêm ấy bệnh viện đông, giường nào cũng kín cả. Nhưng các bạn con ngoan chịu ngủ, còn con thì hư lắm, khóc suốt thôi. Mẹ thì vẫn đau, nằm không ngủ được, mong trời sáng để được về nhà. 

Đón con ra viện có ông bà ngoại, bà Lam, bác Lâm và chị Hoài An. Chị Hoài An thích thú lắm, cứ đòi lên viện đón con cho bằng được. Được giao nhiệm vụ là phụ trách cô Lý, chị nhiệt tình lắm, lúc nào cũng nắm tay mẹ để dắt mẹ đi. Chị đáng yêu ghê con nhỉ.

Ở nhà bác Châu chuẩn bị đón con với một lo hoa hồng vàng rực rỡ. Trước đó, bà ngoại đã dọn dẹp đâu vào đấy để 2 mẹ con được thoải mái ngay. Con về trên tay bà ngoại với một vết son trên trán và được 1 cái roi dâu và 1 con dao bảo vệ. Roi dâu là của cụ Liên hàng xóm bẻ cho con đấy. Chắc là vì thế nên khi về đến nhà là con ngủ một cách ngon lành, không quấy khóc như ở bệnh viện. Nhưng chỉ đến đêm là con bắt đầu khác. Chuỗi ngày vất vả bắt đầu!